Cuộc họp diễn ra tại trụ sở Chính phủ, được kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng và UBND các xã, phường trực thuộc.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường; Quốc phòng; Công an; Xây dựng; Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngoại giao…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với cơn bão số 3. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại trong vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Mặc dù triển khai các biện pháp cứu hộ trong điều kiện rất khó khăn, đến nay, các lực lượng chức năng đã cơ bản hoàn thành công tác trục vớt tàu và tìm kiếm nạn nhân nhưng vẫn còn một số trường hợp mất tích. Các lực lượng chức năng đang tích cực huy động nhân lực, phương tiện nhằm tiếp tục tìm kiếm.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá chính xác quy mô, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão. Hiện nay, theo nhận định, bão có thể ảnh hưởng tới khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, thậm chí còn rộng hơn do tác động của hoàn lưu sau bão.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cần huy động đầy đủ lực lượng Trung ương và địa phương, thống nhất hành động khẩn cấp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão.
"Sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh, thành phố cần rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai, đặc biệt là trước cơn bão sắp tới, nhằm bảo đảm bộ máy sau sáp nhập hoạt động hiệu quả, đồng bộ trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác phòng, chống lụt bão. Bảo đảm phân công rõ ràng, phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng trong triển khai nhiệm vụ” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Quang cảnh tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội
Về vụ lật tàu dịch vụ du lịch Vịnh Xanh 58 (QN 7105) tại tỉnh Quảng Ninh, hồi 15 giờ 30, ngày 19/7, có 5 thuyền viên chở 48 hành khách thăm quan tại khu vực trên gặp dông lốc bị lật úp. Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ lật tàu, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 19/7 và số 115/CĐ-TTg ngày 20/7 chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp Bộ Công an, UBND tỉnh Quảng Ninh và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung mọi biện pháp, huy động lực lượng, phương tiện gần khu vực tàu bị nạn; đồng thời yêu cầu triển khai công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn, cứu chữa người bị thương, lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng, tiếp tục tìm kiếm những người còn mất tích.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường; yêu cầu các lực lượng phấn đấu trong đêm 19/7 tìm kiếm được tất cả các nạn nhân và trục vớt tàu bị đắm. Các lực lượng đã huy động tổng quân số, phương tiện, trang thiết bị tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị tập trung triển khai các nội dung theo công điện của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đối với tuyến biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch và di dời dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven bờ, trên biển, trên đảo để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đối với vùng đồng bằng, cần rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, cửa sông, ven biển. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Rút kinh nghiệm từ vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ đề nghị các địa phương ven biển chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền, đặc biệt là các tàu chở khách du lịch, không để xảy ra tình huống thiệt hại đáng tiếc như tỉnh Quảng Ninh.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã triển khai ứng phó với bão số 3 nghiêm túc, quyết liệt.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, tốc độ nhanh, vùng ảnh hưởng lớn, vì vậy, cần tiếp tục duy trì cảnh giác, tập trung cao độ; cần thông tin đầy đủ, chính xác, đánh giá chính xác mức độ của bão.
Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ra bản tin về cơn bão khẩn cấp, cần duy trì cập nhật 1h/lần, từ đó các bộ, ngành, địa phương có căn cứ, cơ sở chỉ đạo. Các địa phương phải theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời những tuyến đê biển, đê sông xung yếu; các hồ chứa, các con sông có thể mực nước lên cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo; đồng thời lưu ý phải duy trì thật tốt các kênh thông tin liên lạc giữa các bộ, ngành, chính quyền các cấp và các lực lượng để kịp thời chỉ đạo triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời với các tình huống xảy ra. Phải bảo vệ tính mạng, an toàn của Nhân dân là trên hết, trước hết; phải giúp người dân thu hồi các tài sản; thực hiện di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm...
Theo báo cáo của các xã, phường, trên địa bàn thành phố Hà Nội (tính đến thời điểm 7h00' ngày 20/7/2025) có 03 người bị thương nhẹ do cơn mưa dông (Mê Linh 01, Hồng Vân 01, Đại Mỗ 01) và đã được đưa đến các bệnh viện sơ cứu kịp thời.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội: tính đến 07h00'có 154 cây đổ, 221 cành gãy. Hiện các cây đổ, cành gãy đã được Công ty giải tỏa để đảm bảo giao thông thông suốt và đang được tiếp tục xử lý, thu dọn. - Theo báo cáo của các xã, phường: tính đến 07h00' có 679 cây đổ, 408 cành gãy. BCH Phòng thủ dân sự các xã, phường đã cắt tỉa, thu dọn và giải tỏa xong.
1772 m2 mái tôn nhà, chuồng trại bị tốc; 1,5 ha nhà lưới bị sập, rách; 80 m2 nhà sàn bị đổ sập; 06 cột viễn thông và 30 cột điện bị gãy, đổ; 04 tủ điện bị cháy, chập, hư hỏng; 201 m tường rào bị đổ; 1000 con gia cầm bị chết và nhiều diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng. Gió giật mạnh còn làm đổ, gãy, hư hỏng nhiều biển quảng cáo, pano và trần nhà.
24 xe ô tô các loại và 7 xe máy bị hư hỏng do cây đè. Giao thông bị ảnh hưởng do cây đổ khiến người dân gặp khó khăn trong di chuyển tại các tuyến đường như Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Cầu Bươu... Sân bay Nội Bài cũng phải tạm hoãn nhiều chuyến bay do thời tiết xấu.