Cùng đi trong đoàn công tác có lãnh đạo cá.c sở, ban, ngành của Thành phố.
Dự buổi kiểm tra, ở xã Xuân Mai có đồng chí Hoàng Minh Hiến – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; đồng chí Nguyễn Anh Đức – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; các đồng chí lãnh đạo UBND xã, lãnh đạo các ngành chức năng của xã. Ở xã Trần Phú có đồng chí Nguyễn Nguyên Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; đồng chí Đỗ Hoàng Anh Châu - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Xuân Mai Nguyễn Anh Đức báo cáo tại buổi kiểm tra.
Phát biểu tại buổi kiểm tra đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá cao công tác phòng chống cơn bão Wipha trên địa bàn xã Xuân Mai, Trần Phú. Đồng chí nhấn mạnh phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống lụt bão úng. Khi có tình huống xảy ra, phải triển khai thực hiện các nhiệm vụ một cách nhuần nhuyễn, có các biện pháp bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân.
Tại buổi kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND xã Xuân Mai, Chủ tịch UBND xã Trần Phú đã báo cáo về công tác phòng, chống thiên tai, chuẩn bị ứng phó bão số 3 năm 2025 tại địa phương mình.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Xuân Mai Nguyễn Anh Đức cho biết: Xã Xuân Mai được thành lập từ 04 xã, thị trấn cũ gồm: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Xuân Mai của huyện Chương Mỹ trước đây và là các xã, thị trấn thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ rừng ngang. Theo thông tin từ Phòng dự báo khí tượng thủy văn từ hôm nay (21/7) đến ngày 25/7, trên các sông ở khu vực Hà Nội có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5-3,5m. Trong đợt lũ này sông Bùi, sông Tích có khả năng ở mức báo động 1 đến trên báo động 2. Mực nước sông lên cao có thể gây ngập úng, sạt lở tại các vùng trũng thấp, ven sông. Ngập lụt, lũ quét sạt lở đất ảnh hưởng đến con người, một số khu nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân. Để chủ động ứng phó với bão Wipha, với phương châm " 4 tại chỗ", Đảng ủy, UBND xã đã ban hành các Văn bản chỉ đạo để ứng phó với cơn bão. Trong đó, đã rà soát các vị trí thường xuyên ngập lụt và vị trí trú tránh, sơ tán trên địa bàn xã tại các nhà văn hóa, trường học có thể tiếp nhận trên 6.500 người tại 19 điểm xung yếu thường xuyên ngập, lụt với 20 điểm sơ tán. Cùng với đó, thành lập 4 tổ phụ trách đê, hồ đập và chống úng và trưng tập lực lượng xung kích trên 300 người để hỗ trợ sơ tán người và tài sản cho nhân dân. Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự xã Xuân Mai cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật tư (dự kiến bao tải: 25.000 cái, đất cát: 1000m3, áo phao, đèn pin...), phương tiện ô tô, máy xúc và rà soát vật tư có thể huy động trong nhân dân (gồm 99 thuyền, xuồng; áo phao 1.368 cái, tét nước: 13 cái; máy nổ 2 cái); đã hiệp đồng lượng lực với các đơn vị Quân sự, Công an (310 chiến sỹ), tổng số lực lượng dự kiến huy động 614 người... để ứng phó với mọi tình huống mưa bão có thể xảy ra với phương châm cao nhất đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và đời sống cho nhân dân...
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Công an thành phố khẳng định sẽ hỗ trợ các địa phương bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong các tình huống thiên tai, sự cố.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố… đều khẳng định hỗ trợ các địa phương về lực lượng, phương tiện, bảo đảm thông tin liên lạc, giao thông… khi xuất hiện các tình huống thiên tai lớn, phức tạp.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền kết luận buổi kiểm tra
Kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, lơ là trong bất kỳ tình huống thiên tai nào. "Dù bộ máy mới còn nhiều việc phải kiện toàn, nhưng đây cũng là dịp kiểm tra năng lực chỉ huy, điều hành từ cơ sở. Càng trong khó khăn, càng phải gắn bó, hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ dân",
Về mặt lâu dài, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các địa phương nghiên cứu phương án bảo đảm an toàn cho người dân theo hướng bền vững ít nhất là 50 năm. "Tính toán xem phương án di dời dân cư khu vực thấp trũng đến nơi ở mới an toàn, ổn định, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế cho khu vực người dân di chuyển. Xây dựng tuyến đê bền vững…".